Nhờ thành công trong việc kiểm soát COVID-19, Việt Nam ngày càng trở thành một trong những điểm đến hàng đầu thế giới cho các công ty nước ngoài tái khởi động sản xuất. Chính vì thế ngành bất động sản công nghiệp ít bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch.
Thời điểm cuối quý III năm 2020, trung bình giá thuê bất động sản công nghiệp nói chung tại thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh 4,9% so với quý trước và cao hơn năm trước 9,4%, chủ yếu do ít nguồn cung mới và nhu cầu đất công nghiệp gia tăng trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Giá thuê toàn thị trường vẫn cao nhất cả nước, cao hơn Hà Nội 30%, hơn Bình Dương và Đồng Nai 60% - 70% và gấp đôi so với Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại Hà Nội, giá chào thuê trung bình ổn định so với quý trước nhưng tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, do giá thuê tăng ở các khu công nghiệp hiện tại vì ít quỹ đất mới. Hà Nội tiếp tục duy trì mức bình quân giá thuê đất công nghiệp cao nhất trong số các tỉnh thành phía Bắc, một số khu vực lên tới 260 USD/m2. Hải Dương – một đầu mối lớn của mạng lưới thị trường công nghiệp miền Bắc vẫn duy trì sức cạnh tranh với trọng tâm phát triển là khu vực phía đông Hà Nội, nơi trung chuyển ngày càng nhiều dịch vụ kho vận và sản xuất, từ và đến các vùng kinh tế cấp 2 vừa được kết nối tốt tương đương cấp 1, chẳng hạn như Quảng Ninh.
Nhà phát triển khu hậu cần Logos Property đang khởi động đầu tư 350 triệu USD tại Việt Nam với dự án đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh. Ngoài ra, nhà kho Global Logistic Properties (GLP) đã công bố liên doanh trị giá 1,5 tỷ đô la với một số khu hậu cần đang được triển khai ở Việt Nam.
Ông Paul Tonkes, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Dịch vụ Kho vận & Công nghiệp, Cushman & Wakefiled Vietnam cho biết “Ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mức tăng giá thực tế của đất công nghiệp vượt xa tốc độ tăng trưởng bất động sản nhà xưởng và kho bãi cho thuê. Riêng ở một số khu vực cụ thể, giá thuê vẫn đang dẫn đầu, trở thành điểm nóng thu hút khách thuê. Trong khi đó, các Khu công nghiệp trong thành phố vẫn chuyển đổi chậm, ví dụ như chuyển đổi diện tích sang phòng khám, khu văn phòng và cửa hàng trưng bày”. Giá trị vốn của đất công nghiệp đã tăng 20-30% ở các tỉnh kinh tế trọng điểm như Đồng Nai, Bình Dương, Long An và tăng gần gấp đôi tại một số Khu Công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh trong những năm qua.
Tổng nguồn cung bất động sản công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh không đổi so với cùng kỳ quý và năm, ở mức gần 2.500 hecta, giúp duy trì hoạt động của thị trường bất động sản công nghiệp. Thị trường cho thuê nhà xưởng & khu công nghiệp hoạt động sôi nổi do thiếu mặt bằng, còn nhiều dự án mở rộng khu công nghiệp đang chờ hoàn tất thủ tục pháp lý, song song với đó là nhu cầu kho vận tăng cao từ các công ty dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Xu hướng dịch chuyển này kỳ vọng sẽ mang đến Việt Nam lợi thế là một điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhiều ưu đãi của chính phủ, chi phí lao động cạnh tranh, môi trường kinh tế vĩ mô và chính trị ổn định.
Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 84,8%, vẫn ổn định so với quý trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do công suất thuê được cải thiện tại các khu công nghiệp ở các quận phía Bắc thành phố. Trong ba năm tới, đặc biệt là 2022-2023, cả miền Bắc và miền Nam sẽ xuất hiện nguồn cung ứng Đất Công nghiệp lớn ở cả khu kinh tế Cấp 1 cũng như ở khu Kinh tế cấp 2 được kết nối tốt tương đương cấp 1. Xu hướng chuyển đổi đất nông nghiệp như rừng trồng cao su thành đất công nghiệp sẽ cung cấp hơn 5.000 ha đất công nghiệp ở Đồng Nai và các khu công nghiệp mới như Bình Thuận, Tây Ninh. Tương tự, ở phía bắc, tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ có thêm vài nghìn hecta đất công nghiệp, chưa kể khu vực duyên hải miền Trung, dẫn đầu là Bình Định, Huế và Quảng Trị cũng đang hướng tới đáp ứng nhu cầu đất công nghiệp ngày càng tăng sau thời kỳ dịch bệnh.
Cũng theo ông Paul, “Trong khi mặt bằng kho bãi cho thuê vẫn còn, làn sóng đầu tư và đơn hàng sản xuất mới vào Việt Nam đã bắt đầu hình thành, kéo theo nhu cầu cho thuê nhà xưởng, kho bãi mới. Tuy rủi ro khó lường của dịch bệnh vẫn còn chờ đợi phía trước, tôi cho rằng áp lực về nhà kho và nhà xưởng sẽ vẫn ổn định và khiến giá thuê tăng cho đến năm 2022-2023. Điều này được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng quan trọng mới được kết nối với chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, thị trường sẽ trở lại thuận lợi cho chủ nhà và giá thuê tiếp tục tăng.”